Trái với các bài viết của trường phái cực hữu, tôi không thích đọc các bài viết của những người cực tả (e.g. anti-globalisation), càng không thích viết/bình luận những bài viết thuộc loại này. Nhưng entry này là một ngoại lệ.
"Sự tàn phá của người Mỹ không phải chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả về mặt văn hoá, đặc biệt là ở miền nam, nơi đã chịu đựng sự chiếm đóng của quân đội Mỹ trong suốt 11 năm. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút, và tham nhũng với qui mô khủng khiếp. Giống như vũ khí của Mỹ mang lại sự tàn bạo và chết chóc, tiền bạc của Mỹ đã ăn dần ăn mòn các cơ cấu văn hoá và xã hội Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17."
Nếu chưa đọc bài này trên Vietnamnet, có lẽ nhiều bạn sẽ cho rằng đây là một trích đoạn của một bài xã luận trên báo Nhân dân cách đây vài chục năm. Vâng, phải vài chục năm chứ bây giờ khó mà tìm được một đoạn văn như vậy trên tờ báo này hay một tờ báo chính thống nào khác. Tác giả của nó là Neal Koblitz, giáo sư toán học của University of Washington, một người bạn lớn của VN từ những năm chiến tranh và là đồng sáng lập giải thưởng Kovalevskaia, một giải thưởng vinh danh các nhà khoa học nữ hàng năm ở các nước đang phát triển (bà Phan Lương Cầm từng được giải năm 1995).
Bài viết có đoạn trích dẫn nói trên của Neal Koblitz là phản biện lại một báo cáo của Thomas Vallely và Ben Wilkinson đánh giá về hệ thống giáo dục đại học VN và đề suất cải tổ. Tôi đã nghe nói đến bài của Vallely và Wilkinson cách đây một vài tháng nhưng không đọc vì nghĩ rằng bài này cũng chỉ nhắc lại những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", những căn bệnh kinh niên không thể/không thèm sửa của hệ thống giáo dục VN nói chung và giáo dục ĐH nói riêng. Nhưng đến khi đọc được lời buộc tội của Neal Koblitz rằng "Báo cáo Vallely rõ ràng là đã bóp méo và xuyên tạc..." thì phải vội vã tìm đọc ngay bản báo cáo này xem các đồng nghiệp cũ của mình viết gì mà bị qui tội nặng như vậy.
Tội đầu tiên mà Koblitz qui cho Vallely và Wilkinson là đã cố tình "lờ" đi giai đoạn 1954-1985, thời gian Mỹ tham chiến ở VN rồi sau đó là cấm vận. Đoạn tôi trích dẫn Koblitz bên trên nằm trong đoạn này có lẽ phản ánh hồi tưởng của Koblitz về thời gian ông tham gia các phong trào phản chiến hơn là phản biện bài viết của Vallely và Wilkinson. Koblitz buộc tội Harvard, cụ thể là McGeorge Bundy và Samuel Huntington (đáng ra phải thêm Thomas Schelling nữa), đã đứng đằng sau chính phủ Mỹ trong cuộc chiến VN. Do vậy Koblitz cho rằng các học giả của Harvard đã cố tình không nhắc đến giai đoạn này, chưa kể bản thân Vallely là cựu thủy quân lục chiến Mỹ ở VN.
Hiển nhiên lời qui tội này không theo một tiêu chuẩn khoa học nào cả, hoàn toàn là cảm tính của Koblitz. Tuy nhiên nếu đặt trong toàn bộ bài phản biện, dường như việc không nhắc đến "tội ác của Mỹ" trong giai đoạn 1954-1985 sẽ làm giảm đi kết luận về khủng hoảng giáo dục đại học mà Vallely và Wilkinson muốn, càng có lợi cho mục đích phản biện của Koblitz. Vậy có chăng đưa vấn đề này lên là cách để Koblitz cảnh báo rằng nhân cách/đạo đức của các học giả Harvard là đáng ngờ nên không thể tin các nghiên cứu của họ. Theo tôi đây là một công kích cá nhân không nên có trong một cuộc tranh luận nghiêm túc.
Tội thứ hai là Koblitz "nghi" Vallely và Wilkinson "chê bai" những người được đào tạo ở các nước XHCN trước kia không bằng những người được đào tạo ở phương Tây sau này (biết tiếng Anh). Vấn đề này cũng khá cảm tính và khó có thể đánh giá được liệu Koblitz có hiểu đúng những gì Vallely và Wilkinson nghĩ hay không. Dẫu sau điểm chính mà Vallely và Wilkinson đề cập đến trong báo cáo của họ là vấn đề "merit-based selection" trong hệ thống đại học của VN có vấn đề. Tiếc rằng thay vì chỉ ra liệu nghi vấn này có đúng hay không, Koblitz một lần nữa lại sử dụng chiến thuật công kích cá nhân, "vạch trần" bằng cấp "không ra gì" của Vallely và Wilkinson. Hóa ra không chỉ có TS Lê Anh Sắc mới cho rằng chỉ có những người có bằng TS mới có tư duy đột phá.
Tội thứ ba, thực ra chỉ là một nhận xét nhỏ, Vallely và Wilkinson đã chỉ trích việc Bộ ĐH bắt buộc các sinh viên đại học VN phải học 25% tín chỉ liên quan đến các môn học chính trị. Koblitz cho rằng ngay ở Harvard cũng có chương trình bắt sinh viên học 100% chính trị thì 25% của VN đã là cái gì. Tất nhiên Koblitz nhầm lẫn giữa một chương trình chuyên về chính trị ở Harvard với tất cả các chương trình đại học ở VN. Nhưng có lẽ đằng sau "nhầm lẫn" này là việc công kích các chương trình đào tạo ngắn hạn ở viện Ash, chuyển từ công kích cá nhân sang công kích một institution. May mà Koblitz chưa biết đến Fulbright Economic Teaching Program ở TPHCM để công kích nốt. (Ngoài lề: nhiều quan chức của VN đã từng dự những chương trình đào tạo ngắn hạn ở Kennedy School của Harvard, chắc họ không thích thú gì khi Koblitz chê bai những chương trình này.)
Tội thứ tư của báo cáo Vallely và Wilkinson là khuyến nghị một trường đại học mới do người Mỹ dựng lên. Thực ra ở khía cạnh này Koblitz "nhẹ nhàng" hơn vì cho rằng đây là ý tưởng của GS Hoàng Tụy và cũng đồng ý rằng VN cần phải nhìn ra bên ngoài để học kinh nghiệm của các nước, và Mỹ có nhiều điều cần học. Nếu ai đã theo dõi đề suất về việc thành lập một trường đại học đẳng cấp quốc tế có thể đã biết quan điểm của Thomas Vallely qua những bài phỏng vấn trên Vietnamnet trong vài năm lại đây. Vallely đề suất VN nên có một trường đại học của mình dựa trên mô hình đại học nghiên cứu của Harvard. Tiền đầu tư do chính phủ VN bỏ ra và chính phủ nên vận động một số đại học hàng đầu của Mỹ giúp (xây dựng chương trình, sách vở, giáo viên). Điểm mấu chốt là chính phủ nên bỏ tiền xây dựng một đại học hoàn toàn mới thay vì rải tiền ra nâng cấp các đại học hiện hữu. Tôi không biết tại sao Koblitz lại cho rằng Vallely và Wilkinson (phần nào đó là GS Hoàng Tụy) muốn có "một trường đại học do người Mỹ dựng lên".
Tội cuối cùng, nặng nhất dẫn đến cáo buộc "bóp méo và xuyên tạc" tôi nhắc đến ở trên, là trích dẫn trường hợp Intel không tuyển được số nhân viên cần thiết. Phải nói đây là phần GS Neal Koblitz phản biện một cách "khoa học" nhất. Ông đã nghiên cứu hoạt động của Intel ở VN và trong khu vực, rồi viết thư hỏi trực tiếp Intel về phần trích dẫn trong bài của Vallely và Wilkinson. Có điều, tôi đọc đi đọc lại phần trả lời rất "politic" của Intel vẫn không thể thấy tại sao Vallely và Wilkinson đã "bóp méo và xuyên tạc". Hai tác giả này đưa ra những con số rất cụ thể về một vụ tuyển nhân viên không thành công của Intel, hiển nhiên nếu họ bóp méo và xuyên tạc thì Intel sẽ nhanh chóng chỉ ra điều này.
Có đúng là trong số 90 ứng viên chỉ có 5% vượt qua cuộc kiểm tra hay không, có đúng là đây là kết quả tệ nhất trong các cuộc thi tuyển của Intel hay không. Với tôi, nếu đây là sự thật, nó là một biểu hiện vô cùng rõ ràng của chất lượng đào tạo kém cỏi của hệ thống đại học VN. Nhà máy này của Intel, theo như chính Koblitz mô tả không cần chuyên gia trình độ gì cao xa, vậy mà chỉ có 5% vượt qua kỳ thi tuyển thì đến bao giờ VN mới đào tạo ra được đội ngũ kỹ sư đủ để phục vụ cho nhà máy này và cả bộ phận R&D của Intel mà Koblitz hi vọng sẽ có mặt ở VN?
Bên cạnh ví dụ tuyển người của Intel, Vallely và Wilkinson đưa ra số liệu academic publication và innovation index của VN và các nước lân cận. Những bằng chứng này, tiếc là Koblitz không có ý kiến gì, quan trọng hơn rất nhiều trường hợp của Intel và cũng cho thấy hệ thống giáo dục đại học VN hiện đang bị khủng hoảng. Vâng, khủng hoảng vì so với giai đoạn 1954-1985 nó đang thụt lùi trong khi nhu cầu kinh tế xã hội ngày càng lớn. Nó đang khủng hoảng vì những người bạn của Neal Koblitz như GS Hoàng Tụy và rất nhiều nhà khoa học tâm huyết VN đã và đang bị gạt ra bên lề. Nó đang khủng hoảng vì thay vì nhìn nhận và tìm cách khắc phục 5 điểm yếu mà báo cáo Vallely đã chỉ ra, Bộ GDĐT lại đăng lên website của mình lời thanh minh hộ của Neal Koblitz.
[Disclosure: Mặc dù không còn liên quan gì đến chương trình Fulbright TPHCM, tôi viết bài này để support cho báo cáo của Thomas Vallely và Ben Wilkison mà tôi thấy rất chính xác và thẳng thắn. Về mặt cá nhân, tôi cũng muốn phản biện lại những lời buộc tội không đáng có của Neal Koblitz đối với hai đồng nghiệp cũ của mình.]