Thursday, June 4, 2009

Money and banking II


Trong emtry trước tôi cho rằng lạm phát có thể xảy ra ngay cả khi một nền kinh tế dùng gold standard (cám ơn bác Đỗ Quốc Anh và bác Hoàng Hải Vân đã có những thảo luận thêm về trường hợp Tây ban nha trong thế kỷ 16-17). Trong entry này tôi sẽ phân tích thêm về vấn đề lạm phát ngay cả trong một nền kinh tế hàng đổi hàng (batter economy).

Để đơn giản việc phân tích, tôi lấy một ví dụ giả tưởng về một hòn đảo cách biệt với thế giới bên ngoài (island economy). Trên hòn đảo này có 100 công dân, 99 người sản xuất bánh mì, 1 người sản xuất bơ và họ specialized trong lĩnh vực của mình vì skill và endownment (ví dụ người sản xuất bơ sở hữu một con bò duy nhất trên hòn đảo, người sản xuất bánh mì sở hữu một mảnh đất có thể trồng được lúa mì). Giả sử mỗi người làm bánh mì một năm có thể sản xuất được 100kg, người làm bơ cũng sản xuất được 100kg. Giả sử tiếp là mỗi người dân trên hòn đảo này buộc phải an bánh mì với bơ mới tồn tại được và tỷ lệ trao đổi bánh mì/bơ là 1/1. Nền kinh tế này có thể có một equilibrium là người sản xuất bơ hàng năm đổi 99kg bơ cho 99 người làm bánh mì. Như vậy mỗi công dân có 99kg bánh mì và 1 kg bơ cho tiêu dùng.

Đến một năm nào đó, giả sử lượng bơ sản xuất bị giảm 50% còn 50kg. Giả sử tiếp là người sản xuất bơ không lợi dụng monopoly power của mình để ép giá, như vậy giá bánh mì/bơ sẽ tăng lên 2. Sự kiện này có thể coi là lạm phát không? Lập luận chính của những người theo trường phái Áo và Chicago là điều này không phải là lạm phát vì khi giá bơ tăng lên gấp đôi, giá bánh mì mà người sản xuất bơ phải đối mặt giảm một nửa. (Ngoài lề: lập luận này được những người theo các trường phái này nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua khi cho rằng giá dầu tăng không phải là nguyên nhân của lạm phát. Lạm phát được cho luôn là hậu quả của nguyên nhân tiền tệ (inflation is always and everywhere the monetary phenomenon). Nếu không vì lý do tiền tệ, khi giá dầu tăng, giá các mặt hàng khác phải giảm tương ứng và không thể có lạm phát.)

Quay lại hòn đảo nhỏ của chúng ta, câu hỏi đặt ra là khi những người làm bánh mì phải đổi 2kg bánh mì lấy 1kg bơ thay vì 1/1 như trước đây thì đó có phải là lạm phát hay không? Điều này phụ thuộc vào định nghĩa (hay cách tính) lạm phát. Nếu lạm phát được tính bằng trung bình số học giá của tất cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế thì hiện tượng tăng giá bánh mì ở trên không phải là lạm phát vì giá bánh mì giảm đối trọng với giá bơ tăng. Nhưng xét trên quan điểm xã hội (dân chủ), khi 99% dân chúng thấy giá tăng còn 1% dân còn lại thấy giá giảm thì điều này có nên/cần coi là lạm phát hay không? Nên nhớ đối với người dân bình thường lạm phát chỉ đơn giản là giá các mặt hàng họ phải mua tăng lên (bạn có bao giờ coi tăng lương là lạm phát?). Nếu lạm phát được tính bằng cách làm một cuộc survey tất cả 100 công dân của hòn đảo này và lấy trung bình ý kiến của tất cả các công dân (phổ thông đầu phiếu), thì kết quả lạm phát sẽ là 0.99 x 100% + 0.01 x (-50%) = 99%.

Một counter argument cho lập luận nói trên là những người làm bánh mì thấy giá bơ tăng nhưng thực ra họ không để ý hoặc không biết rằng giá bánh mì đã giảm. Tuy nhiên lưu ý rằng đây là một nền kinh tế hàng đổi hàng nên những người làm bánh mì không hề có khái niệm giá bánh mì so với bơ mà họ sẽ dùng số lao động họ bỏ ra để đo lường giá của sản phẩm do họ sản xuất. Nghĩa là nếu trước đây họ mất 10 tiếng lao động để làm ra 1kg bánh mì thì với họ giá bánh mì không tăng nếu họ vẫn mất từng đó thời gian để làm ra 1kg bánh mì. Khi phải đổi 2kg bánh mì lấy 1kg bơ, dưới góc độ ngày công lao động, những người làm bánh mì thấy giá bơ tăng gấp đôi và mức sống của họ bị giảm sút. Ngay cả với người sản xuất bơ, nếu anh ta cũng dùng ngày công lao động làm numeraire thì giá bơ cũng tăng lên gấp đôi trong khi giá bánh mì không đổi. Lạm phát trong trường hợp này, nếu tính trung bình với trọng số là rổ hàng hóa tiêu dùng bình quân (cách tính CPI hiện tại) sẽ là 0.99 x 0% + 0.01 x 100% = 1%.

Do vậy, ngay cả trong một nền kinh tế hàng đổi hàng, tùy theo khái niệm lạm phát được hiểu như thế nào, lạm phát vẫn có thể xảy ra. Quay lại gold standard, nếu giả sử mỗi người dân trên hòn đảo này có 1 đồng tiền vàng và họ phải dùng đồng tiền này để mua bán bánh mì và bơ, khi sản lượng bơ giảm 50% thì người dân sẽ thấy giá bánh mì không đổi (1 đồng tiền vàng/1kg) trong khi giá bơ tăng gấp đôi (1 đồng tiền vàng/0.5kg bơ). Vậy dù là hàng đổi hàng hay gold standard lạm phát vẫn có thể xảy ra nếu hiểu lạm phát theo một cách nhất định. 

Tôi nghĩ rằng những người theo trường phái Áo và Chicago sẽ không phản bác các lập luận này của tôi. Thậm chí họ có thể nói chính ví dụ trên đây minh chứng cho lý thuyết căn bản của họ về lạm phát: lạm phát xảy ra khi quá nhiều tiền tranh mua quá ít hàng hóa (too much money chasing too few goods). Trong entry tới tôi sẽ tiếp tục phân tích ví dụ trên trong trường hợp có saving/borrowing để thấy vấn đề lạm phát không đơn giản như vậy.


8 comments:

  1. Anh Giang ơi, cái ví dụ về Tây Ban Nha không đúng. Tôi nghĩ đề cập đến bản vị vàng ở đây là trong nền kinh tế thị trường. Kinh tế Tây Ban Nha hồi đó khác khác, nó là sự kết hợp việc chinh phục thuộc địa với chủ nghĩa trọng thương, lạm phát có nguyên nhân từ chiến tranh.

    Cái ví dụ hòn đảo của anh cũng vậy. Về lý thuyết cũng như trong thực tế, nền kinh tế hàng đổi hàng hay bản vị vàng đều có khả năng dẫn đến mất cân bằng dẫn đến khủng hoảng, gây giảm phát hay lạm phát. Sự mất cân bằng đó phát sinh do những đột biến về công nghệ, do thiên tai, dịch bệnh (làm bò chết khiến sản xuất bơ bị giảm), do bị tấn công và những tình huống bất trắc khác. Trong trường hợp hòn đảo của anh, người dân sẽ tự biết cách làm ăn sao cho có lợi nhất và kinh tế sẽ tự cân bằng. Trong nền kinh tế bản vị vàng, những người tham gia thị trường cũng sẽ biết cách tự điều tiết việc đầu tư và kinh doanh, chính bản vị vàng là sự bảo đảm môi trường tự do cho sự tự điều tiết này.

    Bởi vậy lạm phát trong trường hợp anh nói là do nguyên nhân khác, không liên quan gì đến "hàng đổi hàng" hay bản vị vàng. Lịch sử phương Tây hơn 100 năm không lạm phát, thời gian như vậy cũng đủ dài để chứng minh bản vị vàng không sinh ra lạm phát rồi.

    ReplyDelete
  2. Xin nói thêm : Hơn 1 thế kỷ phương Tây không lạm phát là tính cả tiền tệ lẫn giá tiêu dùng.

    ReplyDelete
  3. Ví dụ của anh Giang đưa ra là một bài toán tĩnh, không phù hợp thực tế. Em cho rằng khi lượng bơ giảm 1/2 thì không có gì chắc chắn giá bơ sẽ tăng lên gấp 2 lần. Lý do (1) những người sản xuất bánh mì sẽ giảm lượng tiêu thụ bơ và tìm một sản phẩm thay thế (ví dụ như tăng khẩu phần bánh mì lên), (2) khi giá bơ tăng lên, đồng nghĩa với lợi nhuận từ bơ tăng lên thì sẽ có một sự dịch chuyển nguồn lực từ sản xuất bánh mì sang sản xuất bơ, điều đó khiến cho giá bơ giảm xuống ở mức cân bằng.

    Những giả sử anh đưa ra không chứng minh được trong trường hợp nền kinh tế hàng đổi hàng xảy ra lạm phát bởi vì anh cố định sự lựa chọn của người tiêu dùng, nếu giả sử như thế thì anh đang "ép buộc" người tiêu dùng phải mua những thứ đắt đỏ mà không cho họ sự lựa chọn nào. Trên thực tế của xã hội hàng đổi hàng, không thể có trường hợp tất cả mọi thứ đều đắt lên một cách đồng thời.

    Trên thực tế, khi có một mặc hàng nào đó đắt tương đối so với những mặc hàng khác thì người tiêu dùng sẽ tìm phương án thay thế. Họ sẽ không chấp nhận mua mặc hàng đắt gấp đôi mà không tính đến một phương án thay thế.

    ReplyDelete
  4. Tôi thì thấy bác Giang cho ví dụ về hòn đảo rất hay và ý nghĩa. Xin lỗi, tôi không cho rằng tính trung thực phải được đề cập ở đây vì bất cứ 1 bài lecture về kinh tế nào cũng bắt nguồn từ 1 giả thuyết cố định và chỉ 1 hay vài yếu tố được xét tới mà thôi (endogenous). Nếu lập luận đó đúng thì lý thuyết đó mới tiếp tục được mở rộng và xét thêm nhiều yếu tố khác. Do vậy, tôi nghĩ rằng các bạn nếu có bắt bẻ thì nên bắt bẻ lập luận đó đúng hay sai, thay vì xét đến yếu tố trung thực.
    Dù sao đi nữa thì lập luận này cũng khó mà phản bác. Cám ơn bác Giang.

    ReplyDelete
  5. @Duy Linh: Trong ví dụ này tôi cố tình đơn giản hóa tối đa mô hình này để tập trung vào vấn đề tiền tệ và giá cả (lạm phát).

    Tất nhiên trong một mô hình kinh tế đầy đủ mỗi agent sẽ có một utility function (preference), production function và kết quả của một quá trình utility maximization sẽ ra một equilibrium cho nền kinh tế. Khi một parameter hay exogenous variable nào đó của mô hình thay đổi thì equilibrium sẽ thay đổi.

    Trong ví dụ ở trên của tôi, nếu cần thiết tôi có thể chỉ ra một dạng utility function và production function để kết quả equilibrium phản ánh những đặc tính của ví dụ đó. Nhưng làm điều này không có lợi gì về mặt logic của vấn đề và gây khó khăn cho những ai không biết về lý thuyết kinh tế.

    Một điểm nữa cũng rất quan trọng là cho dù equilibrium của mô hình trên quá đơn giản, nếu nó bị falsify thì chứng tỏ lý thuyết tôi đưa ra không đúng (sai cho một trường hợp cụ thể có nghĩa là không đúng trong tổng thể). Đây là nguyên lý falsification của Karl Popper khi muốn kiểm chứng một lý thuyết khoa học.

    ReplyDelete
  6. Đinh Tuấn Minh viết:


    “Nhưng xét trên quan điểm xã hội (dân chủ), khi 99% dân chúng thấy giá tăng còn 1% dân còn lại thấy giá giảm thì điều này có nên/cần coi là lạm phát hay không? Nên nhớ đối với người dân bình thường lạm phát chỉ đơn giản là giá các mặt hàng họ phải mua tăng lên (bạn có bao giờ coi tăng lương là lạm phát?). Nếu lạm phát được tính bằng cách làm một cuộc survey tất cả 100 công dân của hòn đảo này và lấy trung bình ý kiến của tất cả các công dân (phổ thông đầu phiếu), thì kết quả lạm phát sẽ là 0.99 x 100% + 0.01 x (-50%) = 99%.”



    Bác Giang làm quả ví dụ này không fair :). Bác giả định cả nền kinh tế có mỗi một anh sản xuất bơ, rồi cho 99 anh sản xuất bánh mì, sau đó lại làm survey thế này thì tôi thấy nó gượng ép thế nào ấy. Trường hợp bác qui ra sức lao động cũng vậy.



    Nếu như bỏ giả định ép buộc anh bán bơ chỉ sử dụng 0,5kg bơ còn phải trao đổi 49,5kg bơ cho các anh làm bánh mì và để thị trường tự điều chỉnh (bơ tăng giá một chút, còn bánh mì giảm giá một chút; hay cả nền kinh tế cùng tiêu dùng bánh mì và bơ ít đi) thì tôi không biết bác có tính được CPI theo kiểu làm cho CPI tăng như của bác hay không?



    Trong trường hợp bác đưa ra trường phái Áo gọi là changes in the price structure. Changes in the price structure có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thay đổi cung (ví dụ của bác), thay đổi cầu, tiến bộ công nghệ, và lạm phát/giảm phát được dùng theo nghĩa liên quan đến tiền tệ. Tiến bộ công nghệ nói chung, lạm phát/ giảm phát dẫn đến tăng/ giảm giá cả nói chung. Và đây mới là ý nghĩa của từ lạm phát khi phản ánh qua sự thay đổi các mức giá cả nói chung.

    ReplyDelete
  7. @Đinh Tuấn Minh: Nếu bác thấy giả định 1 người sản xuất bơ không thực tế thì thay bằng 1 người sản xuất ô tô hay 1 người đào vàng cũng được. Thực ra 1 chọi 99 không phải là điều quan trọng, cái chính là nếu trong nền kinh tế có sự không đối xứng giữa các ngành sản xuất thì lập luận của tôi không thay đổi. Mà cũng chính vì sự không đối xứng này nên xã hội loài người mới sinh ra khái niệm dân chủ, hay trong kinh tế là rổ hàng hóa trung bình tính CPI.

    Thực ra tôi expect bác và những người theo trường phái Áo phản bác ví dụ của tôi theo một hướng khác chứ không phải vấn đề 1/99. Ví dụ trên lập luận lạm phát xảy ra khi có negative supply shock trong một ngành có weight thấp trong rổ CPI.

    Bác có thể phản bác lại là supply shock có tính random, cho nên về tổng thể dài hạn negative shock sẽ cân bằng với positive shocks (giả sử không có technology progress). Nếu vậy trong long-term một nền kinh tế hàng đổi hàng sẽ không thể có lạm phát. Ngược lại một nền kinh tế dùng fiat money sẽ có persistent inflation, điều mà trường phái Áo cho rằng chắc chắn là nguyên nhân tiền tệ.

    Thực ra tôi không có ý định argue về vấn đề lạm phát trong một nền kinh tế hàng đổi hàng. Ngay cả nếu tôi articulate để chứng minh được có tồn tại lạm phát (theo một định nghĩa nào đó) thì điều đó không interested bất kỳ ai. Tôi đưa ra ví dụ này chỉ để làm background cho phần tiếp theo sẽ nói về saving/borrowing. Tôi nghĩ phân tích dynamic là điểm yếu của trường phái Áo, và có lẽ cả các trường phái khác trong kinh tế học (neo-classical, Keynesian, new-Keynesian).

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.