Thursday, November 27, 2008

Crystal ball


Ai là người đầu tiên dự đoán kinh tế Mỹ sẽ xảy ra khủng hoảng? Theo Giulio Tremonti, bộ trưởng bộ Tài chính Italy (trích dẫn trên FT), thì đó là Joseph Cardinal Ratzinger, hiện đang là đương kim Giáo Hoàng Benedict XVI, trong một bài phát biểu của ông năm 1985. Nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng? Theo Đức Giáo Hoàng, đó là do sự suy đồi đạo đức trong xã hội tư bản chủ nghĩa.

Tất nhiên các nhà kinh tế không ai có tầm nhìn xa được như Đức Giáo Hoàng, nhưng không phải tất cả đều bị bất ngờ khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Từ những năm 2003-2004 đã có những nhà kinh tế lên tiếng lo ngại về external imbalance của Mỹ như Roubini, Rogoff, Obstfeld, Reinhart. Đã có lo ngại về trào lưu deregulation trong thị trường tài chính như William White, lo ngại về mô hình quản lý rủi ro VaR như Persaud. Nhưng đáng tiếc là những lời cảnh báo này đã không được lắng nghe một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Hậu quả là cả Ben Bernanke, Mervyn King và cả Jean-Claude Trichet đều tin tưởng rằng hệ thống tài chính của Mỹ và châu Âu rất ổn định và các nền kinh tế này không thể suy thoái được chỉ vì một vài chục tỷ thua lỗ của thị trường cho vay dưới chuẩn của Mỹ. Không chỉ các policy makers, cả các professional economists của tất cả các định chế tài chính (IMF, WB) và công ty lớn (Goldman Sachs, Citigroup, Morgan Stanley) cũng không lường trước được hậu quả nghiêm trọng của sự sụp đổ thị trường bất động sản tới toàn bộ hệ thống tài chính và bây giờ là toàn bộ nền kinh tế.

Vậy tại sao các nhà kinh tế lại kém cỏi như vậy trong việc dự báo khủng hoảng? Chris Giles đưa ra sáu lý do chính. Thứ nhất là regime change, nghĩa là khi một sự kiện lớn xảy ra như Lehman phá sản, các quan hệ kinh tế thay đổi rất nhiều nên các mô hình dựa trên các logic trước đây không còn đúng nữa. Thứ hai, các mô hình kinh tế giả định rằng thị trường tài chính luôn luôn hiệu quả, do vậy không dự đoán được các rủi ro tiềm ẩn được tích góp dần dần khi chính sách tiền tệ được nới lỏng quá lâu. Thứ ba, do giá dầu và lương thực thực phẩm bất ngờ tăng vọt trong nửa đầu 2008, cả doanh nghiệp lẫn người dân đều mất bớt một phần thu nhập cho các khoản chi tiêu thường xuyên này nên không còn nhiều nguồn lực để đối phó với khủng hoảng tài chính.

Lý do thứ tư và thứ năm liên quan đến các giả định về lý thuyết kinh tế khi xây dựng mô hình dự báo, như money demand và output gap. Những giả định này được đơn giản hóa đi để mô hình có thể "giải ra được". Tuy nhiên khi tình hình kinh tế có nhiều biến động, những giả định này không còn đúng nữa và sai số của dự báo có thể làm các nhà kinh tế đánh giá tình hình sai lầm hoàn toàn.

Cuối cùng, thứ sáu, là tâm lý của những người làm dự báo. Người ta thường chú trọng đến các khía cạnh tích cực của tình hình kinh tế và chỉ tìm cách lý giải những gì đã xảy ra chứ không không phân tích nó sẽ diễn biến ra sao. Bởi vậy, các nhà kinh tế loại này thường đưa ra những dự báo lạc quan hơn giới academic và thường mắc sai lầm nặng hơn.

Vậy ai là người có Crystal ball? Chẳng lẽ sau này mỗi khi ai đó muốn dự báo kinh tế lại đến Vatican hỏi Giáo Hoàng?


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.