Wednesday, November 18, 2009

SCIC V


SCIC có hai chức năng chính: quản lý và đầu tư vốn của nhà nước. Trên thế giới các công ty theo dạng này thường được gọi là Sovereign Wealth Fund (SWF) như Future Fund của Úc, Temasek/GIC của Singapore, ADIA của Saudi Arabia, hay CIC/SAFE của TQ. Các SWF của các nước thường có nguồn vốn từ thặng dư ngân sách chính phủ (nhiều trường hợp từ nguồn bán tài nguyên thiên nhiên) hoặc từ quĩ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương. Trường hợp SCIC của VN, nguồn vốn duy nhất cho đến thời điểm này là phần cổ phần của nhà nước trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Sự ra đời của SCIC là một bước phát triển tất yếu khi hình thức địa phương/bộ chủ quản trước đây không còn phù hợp trong một nền kinh tế thị trường. Có thể nói vai trò chính của SCIC từ khi thành lập đến nay là tập trung cổ phần của nhà nước vào một cơ quan có khả năng và chuyên môn để quản lý hiệu quả. Trong vài năm gần đây, SCIC ráo riết thoái vốn khỏi một số công ty trong các lĩnh vực không quan trọng và bắt đầu tích trữ một lượng tiền mặt khá lớn. Do vậy, từ đầu năm 2008 SCIC bắt đầu chủ động đem tiền đi đầu tư vào những dự án lớn trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí, cơ sở hạ tầng, và cả những kế hoạch liên doanh với một số SWF nước ngoài (Qatar, Kuwait).

Những hoạt động này cho thấy SCIC đang hướng đến mô hình Temasek của Singapore, chuyển dần từ quản lý một portfolio các doanh nghiệp được bộ Tài chính chuyển giao sang chủ động đi tìm các cơ hội đầu tư vào các ngành mũi nhọn. Hình thức này về cơ bản là một dạng private equity fund khổng lồ với một shareholder duy nhất là nhà nước. Kinh nghiệm của Temasek cho thấy hai điều kiện cần để mô hình này có thể thành công là tính minh bạch trong hoạt động và tính chuyên nghiệp trong quản lý và điều hành các hoạt động đầu tư.

Ngay từ khi ra đời cho đến nay, cả chính phủ Singapore lẫn các lãnh đạo Temasek luôn khẳng định công ty này hoạt động hoàn toàn vì lợi nhuận và không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ. Để thuyết phục các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh, và chính phủ các nước Temasek cố gắng minh bạch tối đa các hoạt động của mình. Theo đánh giá của
Edward Truman (Peterson Institute for International Economics) chỉ số minh bạch của Temasek đứng thứ hai ở châu Á và là một trong những SWF có chỉ số minh bạch vào loại cao trên thế giới. Mức độ minh bạch của Temasek thể hiện rất rõ qua việc tự nguyện công bố báo cáo tài chính hàng năm (gọi là Temasek Review) mặc dù theo luật Singapore công ty này không có nghĩ vụ công bố vì không phải là công ty đại chúng.

Cho đến thời điểm này, rõ ràng SCIC chưa học được bài học minh bạch của Temasek. Ngoài một số rất ít thông tin công bố trên báo chí, SCIC không công khai báo cáo tài chính định kỳ, không có kiểm toán độc lập, và đặt biệt là không phân biệt ranh giới giữa quyết định thương mại và quyết định chinh sách. Trong điều kiện không minh bạch như vậy, sự xuất hiện của SCIC trong thị trường private equity rất có thể gây crowding out các nguồn vốn khác từ các quĩ private capital nước ngoài như Vinacapital, Dragon, hay các công ty tư nhân lớn có tiềm lực như Vincom hay Hoàng Anh - Gia Lai. Sự không minh bạch cũng sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và giảm tính cạnh tranh của bản thân SCIC. Nếu một ngày nào đó SCIC có ý định đầu tư ra nước ngoài như Temasek thì minh bạch hóa là điều kiện tiên quyết.

Điều kiện thành công thứ hai của Temasek là tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo và các qui trình quản lý và đầu tư. Hội đồng quản trị 9 người của Temasek chỉ duy nhất có một đại diện của Bộ Tài chính Singapore, còn lại là các doanh nhân thành đạt và uy tín. Trong số 380 nhân viên của Temasek, 36% là các chuyên gia quốc tịch nước ngoài (trong đó có cả người VN). Ngược lại, toàn bộ hội đồng quản trị của SCIC là các quan chức hoặc cựu quan chức chính phủ, hầu hết không có kinh nghiệm kinh doanh. Tuy SCIC không công bố nhưng không có dấu hiệu nà cho thấy SCIC có thuê chuyên gia nước ngoài hoặc thuê tư vấn chuyên nghiệp trong các hoạt động đầu tư của mình. Thậm chí Qui chế Người đại diện của SCIC còn giới hạn chỉ có công dân VN mới có thể đại diện SCIC ngồi trong các hội đồng quản trị các công ty mà SCIC quản lý. Một hạn chế đáng tiếc trong hoàn cảnh VN còn rất thiếu những người có khả năng và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.

Tính chuyên nghiệp của Temasek còn thể hiện qua chiến lược, qui trình đầu tư, cơ chế quản lý rủi ro, và nhất là chế độ lương thưởng gắn liền vào lợi nhuận đầu tư. Với SCIC, chưa kể việc thiếu vắng một qui trình đầu tư minh bạch và chuyên nghiệp, một cơ chế quản lý rủi ro hiện đại, những người đại diện cho SCIC hoàn toàn không có một chế độ đãi ngộ và thưởng nào theo cơ chế thị trường. Các qui định về lương và phụ cấp của người đại diện không khác gì của một nhân viên hành chính sự nghiệp. Rất có thể ngay cả các chuyên viên đầu tư của chính bản thân SCIC cũng không có chế độ lương thưởng xứng đáng với kết quả đầu tư. Điều này vừa làm giảm incentive làm việc, vừa dễ gây ra chảy máu nhân viên có năng lực cho các quĩ private capital khác.

Không kể hoàn cảnh khách quan mà SCIC phải đương đầu hiện khó khăn hơn rất nhiều so với Temasek những năm 70-80, việc SCIC không đảm bảo được tính minh bạch và tính chuyên nghiệp sẽ làm mong ước lặp lại thành công của Temasek trở nên rất xa vời. Nếu SCIC không hoạt động hiệu quả nó sẽ không khác gì một bộ phận mở rộng của Bộ Tài chính, vẫn chỉ là bình mới rượu cũ cho việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước.

Note: Một version của bài này đã đăng trên TBKTSG.

Update (2/12): Theo Mạnh Quân của SGTT, SCIC vừa bị phát hiện ra đã nộp thiếu VNĐ900m tiền thuế thu nhập. Giả sử đây là toàn bộ số thuế thu nhập SCIC phải đóng cho quĩ lương trong 6 tháng cuối năm 2009 (6 tháng đầu năm thuế thu nhập được miễn theo chương trình kích cầu). Giả sử tiếp là effective tax rate của số thuế này là 20%, như vậy tổng số quĩ lương trước thuế cho 6 tháng là VNĐ900m/0.2=VNĐ4.5b. Như vậy quĩ lương cho cả năm là VNĐ9b. Giả sử SCIC có 100 nhân viên, trung bình lương của một nhân viên là VNĐ90m một năm, hay 7.5m/tháng. Giả sử 10% số senior staff có mức lương gấp 3 lần mức trung bình đó, mỗi người sẽ nhận được khoảng 22m/tháng, chắc không cao so với mặt bằng lương trong giới finance ở VN.

Update (3/12): Hóa ra guestimation của tôi ở trên còn thấp hơn thực tế 3 lần. Lương lãnh đạo của SCIC vào khoảng VNĐ78.5m/tháng. Tuy nhiên quĩ lương cho senior staff tôi guestimate hôm qua là tương đối chính xác. Nếu SCIC có 10 senior staff, lương trung bình 22m/tháng thì quĩ lương cho số senior staff này là 22m*12*10= 2.6b, khá gần với quĩ lương cho lãnh đạo được công bố là 2.642b. Tuy nhiên tôi over-guestimate lương cho nhân viên vì tổng số nhân viên của SCIC là 130 người chứ không phải 100 như tôi đoán ở trên.


6 comments:

  1. Anh Giang sản xuất lia lịa mà chất lượng cao nhỉ?

    ReplyDelete
  2. Chào anh Giang:

    Một số ý kiến cho rằng SCIC nên tham gia thị trường chứng khoán (cả lướt sóng và đầu tư giá trị) để giúp thị trường bình ổn. Một số ý kiến khác thì lại cho rằng SCIC làm như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi và là insider trading. Xin anh cho biết quan điểm của anh? Các quĩ chính phủ khác trên thế giới có tham gia thị trường chứng khoán không?

    Chân thành cám ơn!

    ReplyDelete
  3. @Anonymous (Dec 21): SCIC chỉ có chức năng quản lý và đầu tư vốn nhà nước, không có chức năng bình ổn thị trường. Do đó về nguyên tắc SCIC không được phép "lướt sóng" để bình ổn.

    Các SWF tôi biết không có ai có chức năng bình ổn thị trường và đa số đều là nhà đầu tư dài hạn. Hầu hết các SWF đều thuê professional managers để đầu tư vốn của mình chứ rất ít khi họ tự làm in-house.

    Quan điểm cá nhân tôi là SCIC chỉ nên quản lý vốn nhà nước, không trực tiếp đầu tư và càng không nên lướt sóng dù là để bình ổn thị trường.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn anh Giang:

    Theo tôi được biết thì đợt năm 2008 vừa rồi, SCIC nhận được mệnh lệnh hành chính là mua vào chứng khoán để củng cố lòng tin của thị trường. Từ đó đến giờ đã có sự mập mờ về việc này và người ta không rõ là SCIC thực ra có mua không, mua bao nhiêu và hiện tại có tiếp tục mua bán không?!

    Nhưng theo thông tin nội bộ thì Ban Tài chính của SCIC hiện nay đang có khoảng 1000 tỷ vốn ngắn hạn để đầu tư linh hoạt (gửi ngân hàng hoặc đầu tư lướt sóng). Vậy việc mua bán chứng khoán trong khi SCIC có rất nhiều thông tin insider thì có bị xem là insider trading không? Cũng không thấy SCIC bị buộc phải công bố thông tin.

    Câu hỏi tôi thắc mắc và mong muốn anh Giang có ý kiến là SCIC có vi phạm insider trading và qui chế công bố thông tin hay không? Điều này mang lại ý nghĩa tích cực và tiêu cực đến thị trường và các nhà đầu tư khác?

    Cám ơn anh.

    ReplyDelete
  5. @Anonymous: Việc SCIC mua bán/lướt sóng trên thị trường chứng khoán chưa đủ để buộc tội họ thực hiện insider trading. Ngay cả khi SCIC nắm được insider information cũng chưa thể kết luận được. Cần phải chứng minh được SCIC đã mua/bán cổ phiếu trước khi các insider information được công bố cho công chúng và kiếm lợi được từ việc trading đó.

    Các investment banks lớn ở đây thường cũng sở hữu insider information nhưng họ vẫn có trading desk. Thông thường họ có một cơ chế gọi là Chinese Wall ngăn cản thông tin từ các analysts (sell side) chảy sang các traders (buy side). Tất nhiên trên thực tế information vẫn có thể bị leak và traders vẫn có thể âm thầm thực hiện insider trading, nhưng họ phải giấu cẩn thận và không dám trade nhiều.

    Trong vụ insider trading đình đám nhất gần đây mà tôi đã report ở entry này cũng phải mất rất nhiều thời gian SEC mới khám phá ra và convict được.

    Tôi không có bình luận gì về việc liệu SCIC có vi phạm qui chế công bố thông tin hay không, cái này phải xem xét case by case.

    ReplyDelete
  6. Cám ơn anh, mong nhận được thêm các bài viết giá trị của anh.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.