Wednesday, March 3, 2010

Negotiable interest rate


Chắc nhiều bạn biết tôi rất phản đối trần lãi suất 150% của lãi suất cơ bản mà Luật Dân sự áp đặt trong các quan hệ vay mượn. Thực ra tôi chỉ biết đến điều luật này sau khi NHNN viện dẫn nó để ngăn ngừa cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại đầu năm 2008. Cuối năm 2009 nó lại được nhắc lại trong các tranh luận ở QH và trên các báo khi dự thảo Luật NHNN sửa đổi định bỏ lãi suất cơ bản, một khái niệm mà nhiều nhà kinh tế và chính NHNN cho rằng không có cơ sở về mặt thực tiễn lẫn lý thuyết. [Lưu ý: Lãi suất cơ bản của VN khác với "lãi suất cơ bản" của các nước.]

Tuy nhiên luật vẫn là luật, một khi văn bản pháp luật đang còn hiệu lực người dân và nhất là các cơ quan công quyền phải tôn trọng nó cho đến khi nó được sửa đổi đúng theo qui trình lập pháp. Bởi vậy tôi không tán thành việc NHNN "lách luật" khi cho phép các ngân hàng thực hiện lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay trung dài hạn. Đành rằng đây là một chính sách đúng đắn về mặt kinh tế, rõ ràng nó đã trái với Luật Dân sự và tạo tiền lệ cho một cơ quan công quyền ra một văn bản dưới luật ngược lại với qui định pháp luật hiện hành. Tôi nghĩ Ủy ban Tư pháp Quốc hội cần phải có ý kiến về qui định mới này của NHNN.

Năm 2008, NHNN đã hủy bỏ cơ chế lãi suất thỏa thuận mà mình đưa ra trước đó, lấy gì đảm bảo qui định về lãi suất thỏa thuận lần này không bị bãi bỏ một lần nữa. Việc đưa ra những qui định trái luật và thay đổi liên tục như thế này sẽ làm môi trường kinh doanh của VN thêm rủi ro, sẽ làm giảm credibility của NHNN và các cơ quan chính phủ. Thay vì "lách luật" như vậy, NHNN nên khuyến cáo công khai và thẳng thắn với QH rằng điều 476 của Luật Dân sự không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại và đề nghị QH sửa đổi điều luật này.

Tôi biết có nhiều đại biểu QH chưa hiểu hết vai trò và ý nghĩa của lãi suất cơ bản và cách qui định trần lãi suất, bởi vậy trong kỳ họp vừa qua có nhiều ý kiến phản đối. Trong hoàn cảnh như vậy NHNN, Hiệp hội ngân hàng, và chính các ngân hàng thương mại phải chủ động "lobby" những đại biểu QH đó. Một buổi thuyết trình, một chuyến thăm và giới thiệu hoạt động ngân hàng, một cuộc tiếp xúc với các khách hàng đi vay vốn... là những điều cần làm để "lobby". Giúp các đại biểu QH có thêm thông tin để có quyết định đúng đắn (ở đây là sửa đổi lại điều 476 và Luật NHNN) là một win-win solution cho doanh nghiệp, người dân, và toàn xã hội.

Trong khi chờ QH sửa đổi luật, NHNN nên tăng lãi suất cơ bản lên để mở rộng trần lãi suất cho các ngân hàng dễ thở hơn. Điều này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đến hình ảnh "ổn định" của VN trong mắt các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế, đến VN-Index và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp... Nhưng thà đánh mất những thành tích đó để đổi lấy một xã hội biết tôn trọng luật pháp, với tôi cũng đáng.


5 comments:

  1. Tôi rất tán thành quan điểm này với Bác Giang. Giả sử bây giờ tôi là một DN đi vay Ngân hàng với lãi suất thỏa thuận trên 12% với khoảng vay trung hoặc dài hạn, sau đó đâm đơn kiện Ngân hàng đó theo Luật Dân sự thì sẽ không biết như thế nào nhỉ? Sẽ có một cuộc tranh luận rất sô nổi tại Tòa chăng?

    ReplyDelete
  2. Ở Vn,người ta lách luật quen rồi.QH chỉ là nơi thông qua Luật thôi.Môi trường kinh doanh VN có bao giờ minh bạch đâu.Các doanh nghiệp lớn thường hay đi đêm với các quan chức.

    ReplyDelete
  3. Em đồng ý với quan điểm của Anh Giang, lấy một điều sai để sửa điều sai khác thì không thể chấp nhận được. Thực tế chúng ta thấy gần đây để đạt mục tiêu điều hành (chưa nói có đạt mục tiêu kinh tế, xã hội hay không) thì cơ quan quản lý bỏ qua tất cả(kể cả Luật) những gì trước đây đã từng được tôn trọng (đưa ra bàn bạc, thảo luận).
    Nói tóm lại, một hình ảnh rất xấu của cơ quan quản lý và nó chỉ tô điểm thêm hình ảnh lúng túng, thụ động trong điều hành, thiếu tầm nhìn và khả năng xử lý tầm vĩ mô.
    Một thực tế vô cùng buồn cho những người chỉ có nguồn thu nhập từ salary, than ôi hầu hết những người này là tri thức và công nhân lao động.

    ReplyDelete
  4. Em nhớ cách đây mấy năm khi các ngân hàng vẫn vô tư cho vay vượt trần thì có một tờ báo phát hiện ra việc này và thế là NHNN tuýt còi. Nhưng việc NHNN ra văn bản trái luật thì thật khó chịu dù biết là hợp lý !
    Chu Mạnh Quân

    ReplyDelete
  5. Em cũng để ý lâu vụ này, tuy nhiên, NHNN đã trình chính phủ để chính phủ trình quốc hội về bỏ lãi suất cơ bản tại luận dân sự (từ năm 2007) nhưng không hiểu sao, quốc hội nhất quyết không bỏ.
    Nếu có phát sinh mâu thuẫn trong hợp đồng tín dụng về điều khoản lãi suất mà kiện nhau ra tòa thì không hiểu phải xử lý theo luận hay theo thông tư nhỉ (cái này chỉ phải băn khoăn ở VN) và không biết ai được kiện NHNN nhỉ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.